Nhằm chia sẻ kiến thức về vấn đề liên quan đến suy giảm nguồn tài nguyên nước dưới đất và sụt lún tại đồng bằng sông Cửu Long đến các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các cán bộ trẻ. Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Viện DRAGON-Mekong) - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với tổ chức Arcadis (Hà Lan) dưới sự tài trợ của Netherlands Enterprise Agency sẽ tổ chức seminar trực tuyến với chủ đề “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại đồng bằng sông Cửu Long dành cho cán bộ, thanh niên trẻ” vào ngày 21/12/2021.

Seminar trực tuyến “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại đồng bằng sông Cửu Long dành cho cán bộ, thanh niên trẻ”.

 Tham dự hội thảo có các nhà khoa học trong các lĩnh vực kỹ thuật, quản lý tài nguyên nước, địa chất và các lĩnh vực khác có liên quan đến quản trị và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh. Ngoài ra còn có sự tham gia từ Đoàn Thanh niên Trường Đại học Cần Thơ, cùng các bạn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và cán bộ trẻ đến từ nhiều nơi trong ĐBSCL.

Mở đầu Seminar, PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu đã giới thiệu sơ lược về buổi seminar. PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí trình bày sơ lược về tinh thần của buổi seminar, cũng như bàn về những vấn đề về quản trị sụt lún đất va quản lí nước dưới đất ĐBSCL hướng tới sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL, vai trò và trách nhiệm của người trẻ với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL. 

 

PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu phát biểu khai mạc seminar.

TS. Nguyễn Thành Tựu, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Trà Vinh trình bày về: “Mô hình tư duy hệ thống đánh giá nguồn tài nguyên nước mặt dưới tác động của biến đổi khí hậu, kinh tế - xã hội, và sử dụng đất ở ĐBSCL.”

ThS. Phan Kỳ Trung, Bộ môn Kỹ thuật Tài nguyên nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên trình bày về: “Tăng cường năng lực thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng tại ĐBSCL (CoRe).”

Ông Lê Nguyễn Hải Đăng - Ủy viên Ban thường vụ Đoàn Thanh Niên, Phó Chủ tịch Hội Sinh Viên, Trường Đại học Cần Thơ trình bày về: “Hoạt động Đoàn Thanh Niên trong việc nâng cao nhận thức của Đoàn viên, Thanh niên trong bảo vệ môi trường tại Trường Đại học Cần Thơ.”

Bên cạnh phần trình bày của các diễn giả, buổi SEminar cũng đã nhận được các đóng góp từ các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến NDĐ và sụt lún đất.

 

PGS. TS. Phạm Thanh Vũ, Trưởng Bộ môn Tài nguyên Đất đai, Khoa Môi trường và Tài  nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ tham gia góp ý trao đổi các vấn đề giữa thanh niên và môi trường.

 

 TS. Nguyễn Hà Quốc Tín, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Quản lí Sinh viên, Trường Đại học Tây Đô chia sẻ ý kiến về phong trào thanh niên gắn với bảo vệ môi trường.

ThS. Lê Văn Dũ, Bộ môn Quản lí Môi trường, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ đề xuất một số giải pháp để phổ cập kiến thức môi trường cho thanh niên và người dân trong ĐBSCL

Thông qua kết quả của seminar, một số giải pháp đã được đưa ra, bao gồm:

Kỹ thuật và chính sách

  • Vùng thượng lưu bị ngập lụt hàng năm, trong khi ven biển thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn, do đó cần có giải pháp để vận chuyển nước dư thừa từ thượng nguồn để cung cấp cho vùng hạ nguồn, vùng ven biển ĐBSCL.
  • Đề xuất chuyển đổi lúa vụ 3 sang mô hình sinh kế khác như thuỷ sản, dịch vụ du lịch, kinh doanh vì mô hình lúa 3 vụ nếu kéo dài sẽ khiến nguồn dinh dưỡng trong đất càng ngày càng bị vắt kiệt.
  • Cần quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng bị lề hoá, dễ bị tổn thương. Các đối tượng này gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin mới, nên có giải pháp giảm tác động từ rủi ro nguồn nước đến các đối tượng này.
  • Cần nghiên những mô hình nhỏ, sau đó tích hợp, nhân rộng cho đồng bằng sẽ hiệu quả hơn là một mô hình lớn cho cả ĐBSCL. Tập trung quản lí các đoạn đầu vào như các cống, đê đầu ngõ để biết được các yếu tố nào, sẽ ảnh hưởng nhiều đến khu vực nào. Từ đó sẽ đề xuất được những giải pháp cụ thể cho từng khu vực.

Đối với thanh niên:

  • Xây dựng việc lồng ghép giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thông qua tổ chức lớp học, khoá học phù hợp đặc thù sinh viên từng chuyên ngành
  • Xây dựng nội dung, chương trình giáo dục kỹ năng gắn với nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường
  • Phát huy vai trò xung kích của sinh viên trên mặt trận tuyên truyền về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường
  • Cho sinh viên thấy được hiệu quả của các chương trình thanh niên để thu hút sự chú ý và tham gia từ sinh viên, nâng cao vai trò lãnh đạo của đoàn thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường

Trao đổi thông tin:

  • Mạng xã hội, ứng dụng video ngắn đang là xu hướng hiện nay. Do đó, có thể xem xét xây dựng một kênh truyền thông trên các nền tảng này để thu hút sự chú ý từ người dân, đặc biệt là người trẻ trong ĐBSCL. Góp phân nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường hiện nay.

(Tin và ảnh: Viện DRAGON-Mekong)